Trong truyền thuyết cổ đại Semiramis

Semiramis nhìn chằm chằm vào xác chết của Ara Người đẹp. Tranh của Vardges Sureniants (1860-1921).

Những truyền thuyết liên quan đến Semiramis đã được ghi chép bởi các tác giả bao gồm Plutarch, Eusebius, Polyaenus và Justinus. Bà được gắn với hình ảnh nữ thần Ishtar và Astarte từ trước cả thời Diodorus.[11] Bà cũng được liên kết với biểu tượng cá và chim bồ câu, như được thể hiện tại Hierapolis Bambyce (Mabbog), ngôi đền lớn theo một truyền thuyết được cho là thành lập bởi Semiramis,[19] nơi có một bức tượng của bà với chim bồ câu vàng trên đầu.[20]

Tên tuổi của Semiramis được gắn cho nhiều công trình khác nhau ở Tây ÁTiểu Á, nguồn gốc đã bị lãng quên hoặc không rõ.[12] Nhiều địa điểm khác nhau ở Assyria và khắp Mesopotamia nói chung, Media, Ba Tư, Levant, Tiểu Á, Ả Rập, và Kavkaz mang tên Semiramis, với một vài sai khác, thậm chí cả ở thời Trung cổ. Bà được ghi nhận là người sáng lập thành phố Van để làm nơi cư trú mùa hè, và thành phố cũng có thể được gọi là Shamiramagerd (trong tiếng Armenia có nghĩa là được tạo ra bởi Semiramis).[21] Strabo tin rằng bà đã xây dựng các công trình kiến trúc "trên khắp toàn bộ lục địa".[22] Gần như mọi công trình lớn hay tác phẩm nghệ thuật cổ đại ở lưu vực sông Euphrates hoặc ở Iran đều được gắn với tên tuổi Semiramis, thậm chí cả Bản khắc Behistun của Darius,[13] [14] hoặc Vườn treo Babylon. Herodotus cho rằng bà là người cho xây dựng hệ thống đê điều định hướng dòng chảy sông Euphrates[15] và tên bà được đặt cho một trong cánh cổng của Babylon.

Nhà sử học La Mã Ammianus Marcellinus tin rằng bà là người đầu tiên thiến một thiến niên nam làm hoạn quan: "Semiramis, vị nữ vương cổ đại, là người đầu tiên thiến những thiếu niên nam trước khi trưởng thành."[23]

Truyền thuyết Armenia thể hiện Semiramis theo hướng tiêu cực, có thể do bà đã đánh bại họ trong một chiến dịch quân sự.[11] Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất của Armenia liên quan đến Semiramis và một vị vua Armenia, Ara Người đẹp. Theo truyền thuyết, Semiramis đã phải lòng vị vua đẹp trai người Armenia Ara và hỏi cưới ông. Khi ông từ chối, bà đã đem quân đội Assyria tiến đánh Armenia. Semiramis đã chiến thắng, nhưng Ara đã bị giết mặc dù bà đã ra lệnh bắt sống ông ta. Để tránh nguy cơ chiến tranh lâu dài với người Armenia, Semiramis, nổi tiếng là một phù thủy, đã mang xác ông về cầu nguyện với các vị thần để làm Ara sống lại. Khi người Armenia tấn công để trả thù cho vị vua của họ, bà đã ngụy trang cho một trong những người tình của mình thành Ara và lan truyền tin đồn rằng các vị thần đã đưa Ara trở lại cuộc sống, để thuyết phục người Armenia không tiếp tục chiến tranh.[21] Trong một truyền thuyết, những lời cầu nguyện của Semiramis đã có tác dụng và Ara sống lại.[24] Trong thế kỷ 19, người ta ghi lại có một ngôi làng tên là Lezk, gần Van, được truyền thuyết cho là nơi phục sinh của Ara.[25]